Thị trường thang máy Việt: “Miếng bánh” đầy hấp dẫn

Thị trường thang máy ở Việt Nam hiện nay đang là 1 trong những thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, với ưu thế có nguồn tài chính mạnh, các công ty thang máy nước ngoài đang có lợi thế hơn các công ty trong nước.

Theo tốc độ đô thị hóa, những tòa nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng; nhu cầu lắp đặt thang máy theo đó tăng cao. Thị trường thang máy ở Việt Nam hiện nay đang là 1 trong những thị trường tiềm năng. Mặc dù số lượng công ty thang máy Việt Nam rất lớn, tuy nhiên số công ty có tên tuổi, hoạt động uy tín chuyên nghiệp chỉ khoảng 10 công ty, trong đó doanh nghiệp nội chỉ khoảng 3-4 đơn vị, và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong miếng bánh thị phần cả nước. Đứng trước sự hấp dẫn của thị trường thang máy các doanh nghiệp sản xuất thang máy Việt Nam khai thác vẫn còn vướng mắc nhiều khó khăn.

Hàng ngoại “ áp đảo”

Hiện nay, thị trường thang máy chiếm phần nhiều các hiệu thang nước ngoài là Mitsubishi, Nippon (Nhật); Thyssenkrupp (Hàn Quốc); Schindler (Thụy Sĩ),…

Với ưu thế có nguồn tài chính mạnh, các công ty thang máy nước ngoài đang đè bẹp các công ty trong nước. Ban đầu, các công ty trong nước sẽ là đơn vị bán hàng cho một số hãng sản xuất ở nước ngoài. Sau khi chiếm thị phần ở Việt Nam, các công ty nước ngoài sẽ dùng sức mạnh tài chính tìm cách thâu tóm. Chính vì thế, không ít công ty thang máy trong nước chỉ hoạt động khoảng 2-3 năm rồi bị đóng cửa.

Bên cạnh đó, tâm lý sính ngoại của không ít chủ đầu tư đã khiến cho thang nội không thể chen chân vào các dự án. Đại diện một công ty thang máy cho biết, khi tiếp nhận hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư đặt ra một trong những tiêu chuẩn quan trọng xét chọn mặt hàng thang máy phải là hàng ngoại. Phần lớn các công trình đều tin tưởng vào dòng thang nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước vì họ tin rằng, loại thang này sẽ đảm bảo về chất lượng và hệ thống an toàn hơn so.

Theo ông Trần Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Cty Thang máy Thái Bình: Hiện nay, số lượng công ty thang máy Việt Nam là rất lớn nhưng trong mẩu bánh thị phần trong nước, thang máy Việt Nam vẫn phần nào thất thế trên sân nhà so với những hãng thang máy nước ngoài.

Những thương hiệu thang máy nước ngoài thành công tại thị trường Việt Nam đều là những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Thương hiệu càng lớn, niềm tin cũng tỉ lệ thuận theo. Vì vậy, chi phí khách hàng bỏ ra luôn bao hàm cả khoản chi phí vô hình dành cho sức mạnh thương hiệu, nhưng với khách hàng đó là một sự đảm bảo, là niềm tin tuyệt đối mà khách hàng dành cho sản phẩm.

Với doanh nghiệp Việt, cuộc cạnh tranh thang máy nội – ngoại đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư nghiêm túc. Bởi nếu không có sự đảm bảo thì cho dù giá thành chỉ 50 – 70% mức giá thang máy nước ngoài lại càng trở thành một bất lợi trong cạnh tranh.

Mặt khác, những sự cố thang máy xảy ra do thang máy không đạt yêu cầu an toàn vẫn được sử dụng càng khiến nhiều chủ đầu tư e ngại đặt niềm tin vào thương hiệu thang máy trong nước.

Cần tăng nội lực

Trong khi thang máy ngoại đã có một vị thế vững vàng thì dòng thang máy nội địa vẫn còn đang loay hoay tìm chỗ đứng cho mình. Hơn nửa số lượng thang máy trên thị trường nội địa hiện là thang được các công ty trong nước sản xuất, với mức độ nội địa hoá khác nhau.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này đánh giá, hầu hết các công ty sản xuất thang máy nội địa không có quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn. Gần đây, hàng trăm DN thang máy được thành lập, trong số đó, đa phần công ty chỉ có vài người. Họ đặt làm tại các cơ sở gia công, thuê lắp đặt và cho vận hành một cách đơn giản, bỏ qua các khâu kiểm soát từ thiết kế đến thử nghiệm.

Ông Phan Dương Đại Giám đốc công ty Thang máy Thiên Hưng cho biết: Trên thị trường hiện nay đa số các doanh nghiệp sản xuất thang máy tại Việt Nam, một nửa chỉ đi bán, sau đó thuê các đơn vị khác lắp đặt, do vậy họ không kiểm soát được chất lượng, cam kết bảo hành được lâu dài. Doanh nghiệp thường phải rất vất vả để tạo lập thương hiệu bằng sản phẩm uy tín của mình.

Hiện nhiều công ty thang máy trong nước đã sản xuất được một số thiết bị cơ bản của thang, như cabin, hộp kỹ thuật… tuy nhiên, mức độ nội địa hóa vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính từ việc phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước vẫn còn rất hạn chế, nhiều linh kiện bắt buộc phải nhập từ nước ngoài.

Ông Trần Thọ Huy- Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thang máy Thiên Nam cho rằng, triển vọng cho cho các công ty trong nước còn rất lớn, vì các đơn vị này có lợi thế hơn hẳn về mặt quản lý nhân sự, nhất là trong lĩnh vực bảo trì.

Hiện nay, thương hiệu thang máy Thiên Nam chiếm hơn 20% thị phần trong nước với hơn 6.000 chiếc thang máy được cung cấp ra thị trường trong nhiều năm qua, công ty đã khẳng định được tính an toàn, ổn định của sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ sau bán hàng, xây dựng được thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng”. Và là doanh nghiệp sản xuất thang máy của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Công ty cũng đã bắt đầu xuất khẩu sang Thái Lan. Với sản lượng này, Thiên Nam đang là công ty sản xuất thang máy nội địa lớn nhất ASEAN.

Dù đã có nhiều thành công nhưng người đứng đầu doanh nghiệp cơ khí Việt này vẫn chất chứa bao nỗi niềm. Như chia sẻ của ông Huy, dù là nhà sản xuất thang máy nội địa hàng đầu của cả nước, nhưng hơn 90% khách hàng của Thiên Nam là các nhà đầu tư tư nhân, từ căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao 18 – 30 tầng. Trong khi đó, tại các dự án, công trình có vốn ngân sách, các doanh nghiệp nội địa như Thiên Nam rất khó “chen chân” bởi hầu hết đều yêu cầu sử dụng thang máy nhập khẩu.

Những năm qua, Thiên Nam đã chủ động thiết kế, sản xuất các linh kiện thang máy. Sản phẩm mang nhãn hiệu TNE của công ty có tỷ lệ nội địa hóa khá cao. Theo Quyết định số 10326/QĐ-BCT ngày 14/11/2014 của Bộ Công Thương, sản phẩm TNE đã được đưa vào danh sách thiết bị trong nước tự sản xuất được để thay thế hàng nhập khẩu. Những sản phẩm này bao gồm: các thang máy tải khách có tải trọng đến 1.600kg và cao đến 6 tầng. Hiện công ty đã nộp hồ sơ đề nghị đánh giá cho phép tăng thêm cao độ.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ thang máy ở Việt Nam sẽ tăng rất nhanh trong những năm tới do nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, các dự án đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới, chung cư cao cấp, trung tâm thương mại được xây dựng ngày càng nhiều. Khảo sát thị trường của một công ty thang máy cho thấy, thị trường Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ hơn 1.500 tháng máy và thang cuốn mỗi năm.

Để khai thác được “miếng bánh” đầy hấp dẫn của thị trường thang máy Việt nam. Cùng với việc cung cấp và lắp đặt hệ thống thang máy ngoại nhập, các công ty thang máy trong nước phải tích cực nghiên cứu để có thể tự thiết kế và sản xuất được các chi tiết trong thang máy. Như vậy, mới có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới xuất khẩu để quảng bá thương hiệu, cạnh tranh với hàng ngoại.

Hải Ngọc

*Nguồn: Tapchitaichinh